Học hỏi từ nghệ thuật tặng quà của người Nhật

Tặng quà là một phần trung tâm trong văn hoá kinh doanh của người Nhật. Nói chung, người Nhật rất thích tặng quà. Hay đúng hơn, việc tặng quà đã trở thành một thói quen, một lễ nghi không thể thiếu được trong đời sống thường ngày của họ. Tặng quà được xem như một cách thể hiện sự yêu mến và kính trọng lẫn nhau và để xác định các mối quan hệ xã hội.

Học hỏi từ nghệ thuật tặng quà của người Nhật

Học hỏi từ nghệ thuật tặng quà của người Nhật

Người Nhật tặng quà vào dịp nào?

Với người Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một thói quen hiện hữu trong cuộc sống, người Nhật tặng quà cho nhau không những trong các dịp lễ đặc biệt như: tết, ngày cưới hỏi, sinh nhật… mà ngay cả trong những sinh hoạt hàng ngày, việc tặng quà giữa người Nhật với nhau cũng rất thường xuyên, chẳng hạn như người Nhật có thể tặng một món quà để tỏ lòng biết ơn đến người chủ nhà của họ, hay một món quà thể hiện sự quý mến đối với người bạn đã mời dùng bữa…

Nếu như có thống kê những dịp tặng quà của Nhật Bản, ta có thể kể như: bắt đầu từ tiền mừng tuổi đầu năm, các công việc như nhập học, tốt nghiệp, nhận việc làm, nghỉ hưu, ngày cuối năm, ngày kết hôn, sinh nhật, khám bệnh, dọn nhà… Trong văn hóa Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một phong tục rất quan trọng, vì thế mà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “Thiên đường tặng lễ vật cho nhau”.

Trong văn hóa của mình, người Nhật dành riêng cả hai mùa tặng quà nhằm để tỏ lòng biết ơn và gửi gắm những tình cảm của mình đến mọi người trong mối quan hệ xã hội, hai mùa tặng quà quan trọng của Nhật Bản được gọi là Chugen và Seibo, Chugen là mùa quà tặng giữa năm vào cuối tháng 6, và Seibo là mùa quà tặng cuối năm vào cuối tháng 12.

Mục đích của việc gửi quà tặng trong dịp Seibo và Chugen là để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và mong muốn một mối quan hệ lâu dài, có thể là họ tặng quà cho các giám sát viên công việc của mình để tỏ lòng kính trọng, các cặp vợ chồng gửi quà cho những người đã mai mối và phục vụ nghi lễ hôn nhân của họ, một số người gửi quà đến bác sĩ gia đình của họ, phụ huynh tặng quà cho những giáo viên đã giảng dạy cho con, cháu họ.

Hơn nữa, trong các mùa tặng quà không phải là bó hẹp trong phạm vi các cá nhân, các công ty và cơ sở kinh doanh gửi quà tặng cho khách hàng, đối tác của họ, và khách hàng trung thành của mình…

>> Giỏ quà 8/3 tặng mẹ, giỏ quà trái cây tươi, ngon, đẹp và sang trọng!

Quà tặng với văn hóa Nhật

Bên cạnh giá trị sử dụng của các món quà, quà tặng của người Nhật còn mang tính biểu trưng rất cao, như: quà tặng là xôi đậu đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tốt lành; hay người Nhật cũng rất thích tặng nhau đũa, vì trong nhận thức của họ, đũa lúc nào cũng có đôi có cặp, và với công dụng với đũa là “gắp lấy”, người Nhật hình tượng hóa lên với ý nghĩa rằng với đôi đũa họ sẽ “gắp lấy” được những điều tốt đẹp trong cuộc sống như sẽ được lấy một cơ hội tốt, lấy một nghề nghiệp tốt, lấy một người yêu tốt…

Trong văn hóa Nhật Bản, khi tặng quà, ngoài nội dung, ý nghĩa của món quà, người Nhật đặc biệt chú ý đến việc món quà đó được gói và trang trí như thế nào, điều đó rất quan trọng với người Nhật.

Với người Nhật, việc chuẩn bị, trang trí một món quà quan trọng hơn giá trị sử dụng của nó. Bởi qua cách gói, trang trí món quà đó thể hiện sự khéo léo, để ý quan tâm hay coi trọng món quà mà người đó mang tặng hay không, nó thể hiện tình cảm, cử chỉ, tính cách của người tặng và đem lại cho họ một món quà thật sự ý nghĩa.

Chính vì thế mà món quà của người Nhật được trang trí rất công phu và có những giá trị biểu trưng rất cao, quà tặng được gói bằng giấy Nhật cột thắt bằng sợi dây hai màu đã được tẩy tịnh gọi là Mizuhiki, và đính kèm theo đó là Noshi. Cách gói quà của họ cũng rất cầu kỳ, bên trong ba lớp, bên ngoài ba lớp và cuối cùng thắt một sợi dây lụa, dây giấy xinh đẹp. Người Nhật cho rằng nút thắt vặn theo hình dây thừng có gửi gắm linh hồn con người, bày tỏ tấm lòng của người tặng quà. Những dịp chúc mừng họ sẽ thắt dây giấy màu đỏ trắng theo hình chiếc kéo để tương trưng cho may mắn đang đến, nhưng dịp buồn thì thường thắt dây giấy màu trắng đen để tượng trưng cho sự buồn đau và sự đen đủi sẽ không đến nữa.

Mizuhiki là vật trang sức cho những món quà của người Nhật. Nó khiến món quà trở nên sinh động và đẹp đẽ hơn, cũng nhấn mạnh thêm sự chu đáo quan tâm của người tặng đối với người nhận.

Được làm từ một loại giấy làm từ bột gạo, từ mizuhiki được ghép bởi 2 từ mang nghĩa “nước” và “kéo” nhằm thể hiện quá người thợ kéo dãn nguyên liệu bột gạo sau các chu trình xử lý trong nước để tạo ra những sợi dây thừng bằng giấy đủ màu này.

Các mẫu mizuhiki phổ biến là hình ảnh các nút dây tạo thành hình Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng) hay các loài hoa thanh nhã như hoa mai, hoa đào… gắn lên trên món quà, chúng góp phần làm cho quà tặng trở nên đẹp đẽ hơn và cũng thể hiện thành ý của người tặng quà, màu sắc của mizuhiki cũng biểu trưng cho món quà đó được tặng vào dịp nào.

Nếu là những dịp chúc mừng thì các dây mizuhiki có màu sắc rực rỡ như đỏ, vàng… tượng trưng cho sự may mắn đang đến, còn vào các dịp chia buồn thì sử dụng hai màu đen và trắng tượng trưng cho sự buồn đau và đen đủi sẽ không đến nữa; ví dụ như quà tặng đám cưới thì sợi mizuhiki là màu vàng và bạc với phần vàng ở phía bên phải một phần ba, còn quà phúng viếng thì buộc mizuhiki màu đen và trắng.

Noshi là tiếng gọi tắt của noshiawabi, tức là một miếng bào ngư mỏng phơi khô được gói chung vào quà tặng. Trong văn hóa Nhật Bản bào ngư tượng trưng cho sự sống lâu bền, bên cạnh đó người Nhật ta tin rằng mùi tanh nồng của hải sản có vỏ sẽ đánh đuổi được linh hồn quỷ dữ, niềm tin này đã tạo ra phong tục đính kèm một sợi noshi màu đỏ và giấy trắng gấp vào món quà; noshi được sử dụng để buộc quà trong rất nhiều dịp, nhưng không bao giờ được gắn vào các món quà như cá, gia cầm, trứng, thức ăn (những món quà này cũng không dùng dây mizuhiki mà thay vào đó đặt lá tre hoặc lá nanten – cây nam thiên lên trên) và những món quà chia buồn.

Tuy nhiên ngày nay, một sợi dây bằng giấy màu vàng đã được thay thế cho noshi, hoặc có thể người ta viết hai chữ no và shi bằng chữ Hiragana nối vào nhau trên tờ giấy gói thay vì một miếng bào ngư thật.

Khi vận chuyển món quà, người Nhật thường dùng một miếng vải chuyên dùng để bọc món quà từ bên ngoài có tên là Furoshiki; Furoshiki là một loại khăn vải khổ lớn hình vuông nhiều màu sắc và họa tiết đẹp mắt, có thể mang đi dễ dàng, Furoshiki có thể làm bằng nhiều chất liệu như lụa, vải bông hoặc sợi tổng hợp.

Furoshiki có đủ loại kích thước để phù hợp với các đồ vật được gói, với đủ loại hoa văn màu sắc, các họa tiết tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng, mạnh mẽ, chúc phúc…

Tags: cách tặng quà, cách tặng quà độc đáo, của cho không bằng cách cho, khi tặng quà nên nói gì, nghệ thuật tặng quà, quà cho không bằng cách cho